• VINPEAR LAND
  • kHÁCH SẠN
  • SPA RESORT

Subscribe

Việt Nam quê hương tôi

Nước Việt Nam ở về phía Đông Nam Châu Á có hình dáng cong chữ S, tọa lạc ở khu vực nối liền hai đại dương Thái Bình Dương và Ấn Độ Dương. Trên bước đường phát triển của loài người, Việt Nam là nước nằm giữa hai trung tâm văn minh lớn (Trung Hoa - Ấn Độ) nên sớm trở thành điểm giao lưu của những nền văn minh đó.

Thứ Năm, 22 tháng 4, 2010

Tráng lệ cầu dây võng Thuận Phước (Đà Nẵng) về đêm

Khi màn đêm buông xuống, bất cứ du khách nào cũng sững sờ trước vẻ đẹp lung linh huyền diệu của cây cầu treo dây võng dài nhất Việt Nam – cầu Thuận Phước. Thật không ngoa khi có người ví cầu Thuận Phước về đêm giống hệt một con rồng lửa dũng mãnh, rực sáng vắt ngang hai bờ sông Hàn...


Về đêm, khi toàn bộ hệ thống đèn Led với dàn ánh sáng đa sắc tỏa sáng, chạy dọc trên 2 đoạn giữa đường dây võng tạo nên vẻ nguy nga tráng lệ đến ngỡ ngàng.

Có du khách lần đầu chiêm ngưỡng cầu Thuận Phước rực sáng trong trong đêm đã sững sờ thốt lên: "Tôi cảm giác như mình đang lạc bước ở San Francisco, trước cây cầu Cổng Vàng (Golden Gate) nổi tiếng thế giới...".
Xem thêm

Thăm đảo Lý Sơn (Quảng Ngãi)

Đảo Lý Sơn nằm cách bờ biển Quảng Ngãi 24 km về hướng đông bắc. Địa danh gồm hai đảo lớn là cù lao Ré và Hòn Bé.


Đảo Lý Sơn tên cũ là Cù Lao Ré. Sở dĩ tên gọi như vậy là vì xưa kia dân đảo này dùng nhiều dây ré dùng để buộc đồ rất dai và bền chắc. Sách Đại Nam Nhất Thống Chí soạn vào đời Tự Đức, phần tỉnh Quảng Ngãi có ghi: “Cù Lao Ré ở giữa biển, cách huyện Bình Sơn 65 dặm về hướng Đông, xung quanh núi cao, ở giữa trũng xuống ước mấy chục mẫu, nhân dân hai phường Vĩnh An và An Hải ở tại đây. Phía Đông Bắc có động, trên động có chùa mấy gian, có giếng đá, bên hữu động có giếng nước trong veo, chung quanh cây cối xanh tươi...”.

Trên đảo có núi cao đến 180 m. Chung quanh đảo có nhiều rạn đá ngầm, ghe thuyền thường neo đậu ở phía nam đảo. Riêng Cù lao Ré có hình dạng đa giác không đều cạnh, có nơi dài đến 7 m, rộng từ 3 đến 4 km. Núi đồi chiếm đến 1/4 diện tích đảo.

Ngày nay, cù lao Ré được đặt thành huyện đảo Lý Sơn, có hai xã Lý Vĩnh và Lý Hải, diện tích tổng cộng 11 km2 và dân số gần hai vạn người. Dân cư sống trên đảo chủ yếu bằng nghề nông, đánh bắt hải sản. Nông sản chính ở đây là tỏi.

Vào đời vua Lê Kính Tông, năm 1604, có người từ đất liền ra định cư, khai phá hải đảo. Hiện nay trên đảo còn thờ tám vị tiền hiền từng khai canh trên mảnh đất này gọi là "Bát tổ".

Trên đảo còn có nhiều di tích lịch sử và văn hóa được phân bổ khá dày. Đặc biệt có đình Lý Hải là một công trình kiến trúc - nghệ thuật xây dựng vào năm Minh Mạng thứ 3 (1820) ở xã Lý Hải. Đây là ngôi đình thể hiện kỹ thuật chạm khắc gỗ độc đáo, sống động qua các ô trang trí.

Một di tích khác rất độc đáo là Chùa Hang, nằm ở đông bắc đảo, cũng thuộc xã Lý Hải, nằm dưới chân núi Thới Lới. Chùa vốn là một hang động lớn do cư dân địa phương tạo lập từ 400 năm trước. Chùa có nhiều ngóc ngách, đặc biệt là các bệ thờ được con người tạo tác từ các thạch nhũ tự nhiên ở nền hang, thành khám thờ, đồ thờ làm tăng thêm vẻ thâm nghiêm và huyền bí. Chùa thờ Phật và các vị tiền hiền họ Trần có công khai phá, xây dựng chùa. Chung quanh chùa là những cây bàng biển có tuổi thọ từ hàng trăm năm, cành lá xanh rì, hình dạng cổ quái. Muốn đến chùa, du khách phải theo địa đạo cheo leo trên vách núi, sát mép biển, lên cao dần rồi đi xuống 40 bậc đá để vào chùa.

Đi khắp đảo, du khách có thể bắt gặp nhiều đình, miếu, chùa chiền, lăng mộ. Và, đặc biệt hơn nữa là dấu ấn văn hóa Sa Huỳnh, văn hóa Chămpa qua các cuộc khai quật ở suối Chình, xóm Ốc.

Cù lao Ré xưa nay nổi tiếng với nghề trồng tỏi. Tỏi được trồng đại trà tại các chân đồi và ở các thung lũng. Vào mùa thu hoạch tỏi, bến thuyền nhộn nhịp.

Cù lao Ré đang "mở cửa" đón khách du lịch từ đất liền ra thăm đảo. Hằng năm ở đây có mở hội đua thuyền vào mùa xuân và mùa thu, đông vui nhất là hội xuân, từ mồng bốn đến mồng bảy Tết, thu hút đông du khách đến vui hội, thăm di tích, thắng cảnh với nhiều thú vị bất ngờ.

Nguồn tin: Nguồn Báo Nhân Dân
Xem thêm

Thác Trắng - Quảng Ngãi

Thác trắng là một trong những thác đẹp nhất ở miền núi tỉnh Quảng Ngãi. Thác nằm gần thôn Tịnh Ðố, xã Thanh An, huyện Minh Long. Từ huyện lỵ đi đến thác khoảng 7km. Thác Trắng Minh Long nằm giữa vùng núi Trường Sơn trùng điệp. Ðộ cao của thác khoảng 40-50mét. Từ trên cao, nước chảy xuống trắng xóa như dát bạc trên sườn núi đá dốc đứng.


Dưới chân thác có hồ nước sâu tự nhiên rộng hàng trăm mét vuông, xanh biếc và mát lạnh. Từ chân thác này, nước theo con suối rộng khoảng 20 mét, lô nhô đá tảng giữa dòng, quanh có uốn khúc trong thung lũng trước khi chảy ra hợp nước với các khe suối khác. Giữa mùa hè nóng bức mà đến thác Trắng với không khí mát lành thì thật tuyệt.
Làng Ðố xưa chỉ là rừng hoang, chỉ có một ít đồng bào Hrê đến cất chòi giữ trâu. Nay Ðố đã trở thành một làng Hrê định canh định cư, vẫn với nếp nhà cổ truyền, nhưng lợp ngói, khang trang đẹp đẽ. Hồ nước dưới chân thác Trắng và lòng suối có nhiều cá niêng được xem như một đặc sản mà bất cứ khách từ đâu cũng ưa thích.
Hiện con đường về thác Trắng đã được san ủi. Sở Thương mại-Du lịch Quảng Ngãi đã có dự định thực hiện dự án du lịch tại đây. Chắc chắn thác Trắng sẽ thu hút nhiều du khách và sẽ trở thành một điểm du lịch hấp dẫn trong tương lai không xa.

Nguồn tin: Theo TBDL
Xem thêm

Khu dự trữ sinh quyển Cát Bà

Quần đảo Cát Bà (Hải Phòng) đã được công nhận là khu dự trữ sinh quyển thế giới: đó là công bố được đưa ra trong cuộc họp báo do Bộ Ngoại giao Việt Nam phối hợp cùng Tổ chức Giáo dục, Khoa học và Văn hóa của Liên Hiệp Quốc (UNESCO) tổ chức tại Hà Nội hôm (17-3) vừa qua.


Tại cuộc họp, các nhà tổ chức cho biết: UNESCO đã chính thức công nhận quần đảo Cát Bà là khu dự trữ sinh quyển thế giới trong kỳ họp của hội đồng quốc tế về phối hợp chương trình con người và sinh quyển tổ chức tại Paris ngày 29-10-2004.

Với quyết định này, Việt Nam đã có 4 khu dự trữ sinh quyển được UNESCO công nhận là: khu dự trữ sinh quyển ngập mặn Cần Giờ (TP.HCM), khu dự trữ sinh quyển Cát Tiên, khu dự trữ sinh quyển vùng châu Thổ sông Hồng và khu dự trữ sinh quyển Cát Bà.

Việc quần đảo Cát Bà được UNESCO công nhận là khu dự trữ sinh quyển sẽ là động lực thúc đẩy sự phát triển kinh tế, du lịch, thúc đẩy ngành nuôi trồng, đánh bắt thuỷ hải sản. Sự công nhận của UNESCO sẽ tạo điều kiện cho đảo Cát Bà (Hải Phòng) tham gia vào mạng lưới nghiên cứu khoa học, được quốc tế hỗ trợ công tác nghiên cứu môi trường và đa dạng sinh học.

Cho đến nay, UNESCO đã công nhận 459 khu dự trữ sinh quyển thuộc 97 nước.

Nguồn tin: Theo Tuổi trẻ
Xem thêm

Cát Cò - ốc đảo miền nhiệt đới

Nằm biệt lập với những con phố ồn ào của thị trấn Cát Bà (huyện Cát Bà, TP Hải Phòng), khu du lịch Cát Tiên được ví như một ốc đảo miền nhiệt đới được tạo nên bởi hai bãi tắm là Cát Cò 1 và Cát Cò 2.


Như đầu con rùa, mỏm núi đá nhô ra biển đã chia cắt hai bãi tắm thành hai khung trời cách biệt. Cây cầu gỗ thơ mộng sẽ dẫn du khách đến Cát Cò 1 và Cát Cò 2.

Bên phải là núi đá dựng đứng, bên trái là nước biển trong xanh. Ở đây mỗi thời khắc có một vẻ đẹp riêng. Buổi sáng sau khi đón bình minh trên bãi biển, du khách có thể đi tàu thăm vịnh Lan Hạ, chinh phục ngọn núi Hải Thanh, Hòn Thớt, Hòn Guốc, tham quan đảo khỉ.

Đã có rất nhiều du khách khám phá vẻ đẹp hoang sơ của khu vực này bằng cách thuê kayak (một loại thuyền dạng phao chèo tay, giá thuê 50.000 đồng/giờ), tự tay chèo ra vịnh.

Giữa vịnh, nép mình bên sườn núi là những bãi tắm mini, cát trắng phẳng lì, yên tĩnh đến lạ thường. Đây là một trong những nét đặc trưng mà thiên nhiên đã ban tặng cho Cát Bà.

Chiều xuống, sau khi tham gia các trò chơi thể thao ở bãi biển như bóng chuyền, nhảy bao bố, đua thuyền... du khách sẽ có một bữa tối ngay sát bờ biển.

Đêm xuống, nằm trong những chiếc lều sát mép nước biển, nghe tiếng sóng biển vỗ ì oạp mới thơ mộng làm sao.

Du khách có thể đến Cát Tiên bằng cách: Đi xe chất lượng cao, sau khi đến Bến Bính (Hải Phòng) du khách thuê tàu cao tốc hoặc đến phà Đình Vũ để đi ra Cát Tiên.

Nguồn tin: Theo VTV
Xem thêm

Khai mạc Lễ hội chợ nổi Cái Bè



Trong khuôn khổ Festival Trái cây Việt Nam lần nhất tại Tiền Giang, Lễ hội chợ nổi Cái Bè cũng đã khai hội đêm 20/4/2010 với chủ đề: “Quyến rũ miệt vườn sông nước Tiền Giang”

Sân khấu được thiết kế bao gồm 3 chiếc ghe bầu trang trí thẩm mỹ thể hiện cảnh sông nước Nam bộ lung linh. MC, toàn bộ ca sĩ, ban nhạc thực hiện chương trình ngay trên 3 chiếc ghe bầu, trước mặt sân khấu có sà lan làm khu vực VIP (khoảng 100 người), xung quanh là cảnh ghe thuyền tấp nập thể hiện cảnh chợ nổi mua bán, tiếng rao, hò vè đối đáp…
Cái Bè là xứ cù lao, đất chỉ đào xuống vài mét là gặp nước. Bởi vậy mà những con mương có khi chỉ rộng 1 mét cũng gọi là mương lộ, nghĩa là những con đường nước. Từ mương nhỏ, vượt kinh rạch ra sông lớn, người chinh phục được tự nhiên thì chợ cũng dần thành hình. Cái Bè là một trong 2 chợ nổi lớn và nổi tiếng nhất miền đồng bằng sông Cửu Long cùng với Cái Răng ở Cần Thơ. Chợ nổi có giá trị vật thể và phi vật thể, ở đó người “đi chợ” có thể để mua các món hàng mình cần như trái cây, chạp phô, rượu và đồ mồi, hoặc cũng có người đi để thưởng thức cái ồn ào, náo nhiệt loang loáng trên sông nước đặc quánh chất Nam bộ. Trong cái chất Nam bộ ấy, chợ nổi còn là nơi dung dưỡng, bồi đắp những tiếng ca, câu hò đối đáp ngọt ngào. Trong những đêm trăng, tiếng hò như tung tăng trên những vệt sóng sông Tiền làm cho khách phương xa không khỏi thoáng chút ngẩn ngơ.

Nguồn: Website Vĩnh Long
Xem thêm